Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Taxi, vận tải 'đe' tăng giá theo xăng

Taxi, vận tải 'đe' tăng giá theo xăng

Các hãng taxi hôm qua cho biết sẽ buộc phải lên giá có thể 500 đồng một km, cước vận tải điều chỉnh khoảng 4-5%. Trong khi đó, doanh nghiệp xăng dầu cho rằng họ vẫn lỗ dù giá xăng vừa tăng 1.100 đồng một lít.

Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM Tạ Long Hỷ cho rằng, bối cảnh hiện nay không tăng giá taxi là không được. Các doanh nghiệp đang tính toán cân nhắc để đưa ra mức điều chỉnh hợp lý.

"Sau khi giá xăng tăng 3 lần liên tiếp trong thời gian qua, thì tôi nghĩ cước taxi phải tăng lên 500 đồng một lít", ông Hỷ nói. Người đứng đầu hiệp hội taxi cho biết kể từ lần giảm hồi đầu tháng 6, taxi trên địa bàn TP HCM hầu như không điều chỉnh cước dù nhiên liệu có lên hay xuống giá, vì vậy lần tăng này là cần thiết.

Đại diện taxi Vinasun cũng khẳng định sẽ tăng giá cước 500 đồng trong thời gian tới. Lãnh đạo hãng này cho hay giá nhiên liệu "nhảy múa" liên tục trong thời gian gần đây khiến Vinasun luôn "đau đầu".

Với hàng nghìn xe, mỗi lần thay đổi cước thì hãng phải tốn cả tỷ đồng cho việc đi kiểm định lại đồng hồ, in tem cước mới dán trên xe, gửi thư điều chỉnh giá đến các khách hàng dùng thẻ thường xuyên...

Ông Nguyễn Việt Hùng, lãnh đạo của một hãng taxi ở tỉnh Bắc Ninh tỏ ra lo lắng khi mới chưa đầy một tháng, giá xăng dầu đã tăng 3 lần với tổng cộng 2.400 đồng mỗi lít.

"Giá xăng tăng cao như vậy sẽ khiến ngành taxi thêm khó khăn vì chưa kịp hoàn vốn. Lần tăng giá 1.100 đồng hôm 13/8 sẽ buộc chúng tôi phải tăng lương cho nhân viên để giữ người", ông Hùng phân tích.

Theo ông Hùng, sở dĩ doanh nghiệp ông chọn cách tăng lương cho nhân viên thay vì tăng cước là vì lo ngại cước càng tăng sẽ khiến khách hàng càng e ngại đi taxi hơn.

Không riêng gì taxi, giới vận tải hàng hóa cũng "đứng ngồi không yên". "Cước vận tải không bao giờ theo kịp giá xăng, hiện nay các doanh nghiệp trong bến đang dòm ngó nhau để có thể quyết định tăng giá hay không", ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc bến xe miền Đông, TP HCM nói.

Ông Hải nhận định với mức tăng giá mạnh lần này của nhiên liệu thì chắc chắn trong những ngày tới sẽ có những hãng xe leo giá theo. Tương tự, ông Nguyễn Quang Minh, Phó giám đốc chi nhánh TP HCM Công ty Vận tải và thương mại Vitranimex có hơn 100 xe container, công ty đang tính toán lại tất cả các chi phí để có thể đưa ra con số tăng.

"Mỗi lần lên giá không đơn giản vì phải đàm phán lại với khách hàng, thời buổi khó khăn, nhiên liệu lại tăng hơn 10% thì chúng tôi buộc phải xem lại", ông Minh giải thích.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, trong vòng 23 ngày, giá xăng dầu đã tăng 3 lần với tổng cộng là gần 20% (xăng tăng 11% và dầu tăng 8%). Trong khi giá xăng dầu chiếm khoảng 40% cước vận tải, nên với mức tăng mạnh như trên, doanh nghiệp vận tải "buộc phải điều chỉnh dù không hề muốn".

Cũng theo ông Hùng, mức tăng giá vận tải sắp tới khoảng 4-5%, vừa đủ bù lỗ xăng dầu. "Chúng tôi cũng nhắc nhở doanh nghiệp tăng vừa đủ tránh hiện tượng té nước theo mưa", ông Hùng nói.

Một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho rằng trong bối cảnh giá thế giới tăng cao thì nếu tính giá bình quân 30 ngày, với thuế nhập khẩu 12%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế môi trường 1.000 đồng mỗi lít... thì giá cơ sở xăng A92 đã lên tới 24.086 đồng mỗi lít, trong khi mức giá bán hiện hành chỉ có 21.900 đồng.

"Như vậy chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lên tới hơn 2.000 đồng. Với mức tăng 1.100 đồng mỗi lít xăng kèm theo kèm theo sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng A92 là 300 đồng mỗi lít thì doanh nghiệp hiện vẫn lỗ", ông nói.

Kiên Cường - Hoàng Lan / http://vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét