Phong tục tập quán: Quan niệm về sinh đẻ của người Giáy
Quan niệm của người Giáy về sinh đẻ rất phức tạp, nó vừa mang ý nghĩa tự nhiên vừa mang ý nghĩa xã hội, lại vừa mang ý nghĩa tâm linh, số mệnh.
Quan niệm về sự mang thai: Thông thường người Giáy cho rằng việc sinh đẻ là việc tự nhiên, tất yếu khi có sự kết hợp giữa nam và nữ, vì thế trong quan hệ giữa con trai và con gái người Giáy rất nghiêm ngặt, ít khi có một đôi nam nữ cùng ở với nhau nơi vắng trong rừng hay đi nương đặc biệt là đêm tối, cho nên các đôi trai gái yêu nhau, họ chỉ đến với nhau trong các buổi chợ phiên hay trong các ngày lễ hội, tang ma, cưới xin hoặc các buổi tối đến nhà một nghệ nhân nào đó học hát … Những lúc như vậy họ mới được gần nhau.
Cũng có những đêm khuya người con gái đợi người yêu của mình ngay trong buồng nhà, người con gái ngồi sát vào vách, người con trai ở bên ngoài vách tâm sự với nhau. Người con gái nào mà mạnh dạn thì thò tay qua vách để cho người yêu của mình cầm. Con trai con gái Giáy yêu nhau chỉ có trong mơ mới được ôm ấp nhau, còn ngoài đời thực, đi đường gặp nhau còn tránh đi đường khác, không dám đứng lại nói chuyện với nhau, cho nên người con gái Giáy ngày xưa ít xảy ra chuyện “lúa chín sớm”, như người Kinh gọi là “ ăn cơm trước kẻng “. Bởi thế, quan niệm của người Giáy về sinh con đẻ cái là tất yếu khi đôi nam nữ sống với nhau.
Với những cặp vợ chồng lấy nhau một hai năm chưa có con hoặc có nhưng lại hay sảy thai hoặc thai chết non, người ta đều cho rằng cây hoa của mình không được chăm sóc cho nên hoa không nở hoặc hoa nở nhưng hay bị hỏng. Do đó người Giáy hay làm lễ để cầu khấn bà Mụ đồng thời thầy cúng thực hiện nghi lễ sẽ đưa quân lính (âm binh) dâng lễ vật và vun gốc, tỉa lá, bắt sâu, tưới tắm cho cây hoa tươi tốt, mong gia chủ sẽ có nhiều con cái sau khi đã thực hiện nghi lễ.
Đối với những cặp vợ chồng không có con cái hoặc không có con trai, người Giáy thường tìm thầy mo, thầy then để xem mệnh, xem nền nhà, hướng nhà, xem nơi đặt mộ phần và hướng mộ rồi theo thầy làm lễ cúng bái để giải hạn, để “chữa trị” bệnh muộn con.
Khi mang thai
Khi mang thai, các bà mẹ dặn con gái của mình không được làm việc nặng nhất là trong những tháng đầu. Không được ăn một số loại thịt, như thịt trâu, thịt bò, thịt lươn, thịt rắn, thịt chó, người ta cho là những loại thịt đó không sạch sẽ, riêng kiêng thịt trâu bò là người ta sợ sau này đứa trẻ sẽ không biết nói như trâu bò; không được tự vào vườn hái quả, nhất là vườn của nhà hàng xóm, người Giáy quan niệm người phụ nữ chửa là ô uế, nếu hái quả thì quả sẽ bị rụng non, úa vàng; không được trèo lên trên cao khi đang có những người lớn tuổi ngồi ở dưới; không được thắp hương bàn thờ tổ tiên; không được bước qua cần câu cá, cột cái dựng nhà…
Riêng đối với người chồng của người phụ nữ mang thai thì kiêng không được khiêng quan tài, không được đi đào huyệt. Người Giáy cho rằng những việc kiêng kỵ mang tính tâm linh đó là để bảo vệ cho đứa trẻ trong bụng mẹ khỏe mạnh, còn người chồng đi đào huyệt và khiêng quan tài sợ âm hồn của người chết hại đến đứa trẻ …
Người Giáy quan niệm người phụ nữ chửa là hồn đang đầm ở dưới ao, suối, đầm lầy, do đó cần phải làm lễ gọi hồn lên thì khi sinh nở mới dễ dàng, cho nên thường đến tháng thứ bảy, thứ tám, người nhà sẽ lễ cúng gọi hồn ở ao, đầm về tiếng Giáy gọi là “ráy văn tắm” (gọi hồn đầm). Thông thường nghi lễ này làm với bà mẹ sinh con lần đầu tới lần thứ hai. Họ cho rằng bà mẹ thiếu kinh nghiệm nên cần có sự giúp đỡ của thần linh, còn những lần sinh sau thì không nhất thiết phải làm, nếu gia đình có điều kiện vẫn làm, còn khó khăn thì không bắt buộc.
Nghi lễ này của người Giáy rất quan trọng, nó thể hiện sự quan tâm của bố mẹ chồng, của họ hàng nhà chồng tới cháu và con dâu, cho nên hôm làm lễ ngoài họ hàng nhà trai người ta phải mời họ hàng bên nhà gái cùng đến dự; lễ này gần như là cả hai họ đến mừng cho đôi vợ chồng trẻ đã có “tin vui”. Sau lễ này là người ta yên tâm chờ đợi ngày khai hoa kết quả mà không phải lo lắng gì nữa, nhưng nếu chưa làm được lễ này, về tâm lý sẽ lo lắng hơn, nếu không thuận trong sinh nở người ta dễ đổ lỗi do không làm lễ gọi hồn ao đầm.
Khi sinh nở
Người phụ nữ Giáy sinh đẻ, tiếng Giáy gọi là “dủ đươn”(ở tháng), “dủ da”(ở không), hay “nằng phí”(ngồi bếp), “nằng tàu”(ngồi tro), “cưn rắm ráu”(uống nước ấm). Người phụ nữ Giáy sinh ngay trên giường trong buồng của mình. Khi bắt đầu biết có hiện tượng sắp sinh gia đình chuẩn bị đun nước nóng, tã lót. Nếu mẹ chồng có kinh nghiệm thì có thể tự đỡ luôn, nếu không thì nhờ người có kinh nghiệm tới giúp.
Người phụ nữ Giáy ngồi sinh, một người phụ nữ khác ngồi đằng sau để cho người đẻ tựa lưng. Sau khi đứa trẻ ra khỏi bụng mẹ, người đỡ bế đứa trẻ và thọc một ngón tay vào miệng đứa trẻ để móc những màng nhầy trong miệng ra, nếu đứa trẻ không khóc thì người đỡ sẽ vỗ tay vào mông để cho đứa trẻ bật khóc, đây là tiếng thở đầu tiên của đứa trẻ. Sau đó, lấy chỉ buộc rốn đứa trẻ lại và dùng cật nứa sắc để cắt rốn, rồi lau qua máu đẻ cho đứa trẻ, quấn tã và đưa cho người mẹ cho bú ngay.
Đó là những trường hợp sinh nở thuận lợi, còn những trường hợp đẻ khó, người Giáy không có cách nào khác là thắp hương cầu khấn tổ tiên và tìm một người nào đó biết thuốc đi lấy lá thuốc về sắc nước cho uống, uống thuốc mà vẫn không sinh được thì đành chịu, nhưng tỷ lệ tử vong do sinh đẻ trong người Giáy rất hiếm xảy ra bởi họ cũng lường được nhiều tình huống sảy ra có sự chuẩn bị.
Nhau của đứa trẻ được đem vào chôn sâu ở một gốc cây quả nào đó trong vườn. Họ không vứt bừa bãi, bởi sợ gia súc gia cầm ăn phải. Theo họ nếu gia súc gia cầm ăn phải, vừa mất vệ sinh lại vừa sợ bà Mụ trách mắng và sợ sau này đứa trẻ sẽ có vấn đề về trí tuệ, sức khỏe. Sau khi sinh xong người ta đốt bếp sưởi ngay ở cạnh giường cho sản phụ sưởi, và bếp này cũng được duy trì suốt cả một tháng ở cữ, nếu là mùa hè thì đốt bếp vào buổi sáng và buổi tối, tại bếp sẽ nấu cơm, mổ gà nấu canh gừng, ngày ba bữa cơm nóng, canh nóng, trong thời gian khoảng mười ngày đầu sau sinh không được rau xanh, nhất là rau cải.
Sản phụ người Giáy trong một tháng ở cữ tuyệt đối không được đụng đến nước lã, không được làm việc nặng. Nếu phải giặt rũ thì phải đun nước nóng để giặt. Người Giáy cho rằng trong thời gian ở cữ mà đụng vào nước lã và làm những công việc nặng thì về già các khớp xương sẽ đau và nhiều bệnh tật khác nữa. Sau khi sinh, người Giáy kiêng không cho sản phụ đi qua gian giữa nơi đặt bàn thờ và đi ra vào cửa chính, nếu không có cửa phụ, cửa bếp người ta phải mở một lối khác ở gian cạnh buồng sản phụ để ra vào. Người Giáy quan niệm người mới sinh đẻ là người không sạch, cho nên không được đi qua trước mặt “các cụ”. Nếu không nghiêm túc trong việc này sẽ bị “các cụ” phạt, làm cho sản phụ ốm đau, có thể là đứa trẻ hay quấy khóc …
Người Giáy còn có quan niệm là để có được nhiều con hay ít con, có con trai hay con gái là phụ thuộc vào bà Mụ, vì người Giáy quan niệm bà Mụ có cây hoa chính là nơi sản sinh ra trẻ con, con cái là những bông hoa hồng, hoa đỏ. Mỗi cặp vợ chồng đều có một cây hoa do bà Mụ trông coi, người Giáy gọi là “Mè pang”. Theo người Giáy mỗi một lần bà Mụ thả một hoa xuống là một lần người phụ nữ mang thai. Bà Mụ thả hoa hồng sẽ sinh được con gái, hoa đỏ là con trai. Vì vậy có nhiều con hay ít con, con gái hay con trai là do cây hoa của bà Mụ ban cho.
Trúc Quỳnh / http://www.vietnamtourism.com.vn/
=======================
Khách sạn : Avi Airport Hotel
Khách sạn giá re gần Sân bay Nội Bài
Điện thoại : (84 4) 388 66 998
Số Fax: (84 4) 388 66 986
Thư điện tử : hotelavi@gmail.com
Web: www.aviairporthotel.com
Địa chỉ : B22 Chợ Phú Cường, Sân Bay Nội Bài, Hanoi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét