Du lịch vãn cảnh quanh Hồ Tây thu hút khách
Mới ra đời từ đầu năm 2012, Chương trình du lịch “Vãn cảnh quanh Tây Hồ” của Công ty Cổ phần TLC đã thu hút được khá đông khách du lịch Thủ đô và ngoại quốc tham quan, thưởng thức trên hành trình với 20 điểm văn hóa lịch sử, tâm linh...
Ngồi trên xe điện trong gió thu mát rượi với sóng nước Hồ Tây rập rờn cảm giác như bầu trời cao hơn, xanh hơn. Du khách bỏ lại đằng sau không khí ồn ào, khói bụi của phố phường tấp nập để hòa mình trong không gian tinh khiết để mặc sức cho cảm xúc lang thang cùng những ý tưởng lãng mạn trong thơ mộng. Về chiều, khi mặt hồ còn vương những tia nắng cuối ngày đã thấy làn sương mỏng manh như dải lụa bay bảng lảng… khiến lòng người bồi hồi nhớ những áng thơ của tiền nhân thuở trước.
Chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa lâu đời nhất Hà Nội và Việt Nam, còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị, đặc biệt là pho tượng Thích Ca nhập Niết bàn được đánh giá là bức tượng Niết bàn đẹp nhất. Chùa Vạn Niên với hơn 1.000 năm lịch sử nằm êm đềm bên Hồ Tây, là di tích cổ có quy mô bề thế, một danh lam cổ tích lớn ở phía Tây kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Từ cổng chùa Vạn Niên theo con đường “Nhật Bản” thơ mộng, uốn lượn dọc bên những hồ Sen ngát hương (hoa Sen bắt đầu nở từ tháng 4 đến tháng 9) cho ta tâm trạng thư thái lạ lùng.
Qua Đền Sóc, làng Xuân La thờ Thánh Gióng, có truyền thuyết, sau khi đánh tan giặc Ân, trên đường về Thánh Gióng nghỉ chân tại nơi đây, từ đó dân làng lập đền thờ. Lễ hội Đền Sóc diễn ra vào mùng 6 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm và hội lớn được tổ chức năm năm một lần. Tới chùa Thiên Niên, có tên chữ là Thiên Niên cổ tự, (thường gọi là Trích Sài) nằm ở phường Xuân La, ngay sát bờ Hồ Tây. Tương truyền chùa được xây dựng thời Lý Nam Đế (544 - 548). Đến thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) có lập miếu và điện cho các cung phi. Từ năm 1893, sư trụ trì ở chùa mở rộng, đúc thêm tượng Phật và chuông đồng…
Phủ Tây Hồ là điểm nhấn thu hút rất đông khách ghé thăm, nằm trên bán đảo lớn giữa Hồ Tây, thuộc thôn Tây Hồ, phường Quảng An. Phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử, đại diện đạo Mẫu Việt Nam. Nơi đây cũng gắn liền với truyền thuyết về cuộc hội ngộ lần thứ hai của Mẫu Liễu Hạnh với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cùng hai ông tú tài họ Ngô và cử nhân họ Lý. Không chỉ thế, từ Phủ Tây Hồ với một góc nhìn rộng mở và thuận lợi, quý khách còn được thưởng ngoạn vẻ đẹp đã được ví với nàng “Tây Thi” của Hồ Tây, lá phổi xanh của Thủ đô. Nếu muốn thưởng thức một nét đặc sắc của ẩm thực Hà Thành thì đây cũng là một địa chỉ tuyệt vời cho du khách với món bánh tôm trứ danh.
Hành trình quanh Hồ Tây, còn qua đền Voi Phục, Chùa Sải, chùa Võng Thị, vườn hoa Lý Tự Trọng với đình Nghi Tàm, chùa Kim Liên… Con đường nhựa nhỏ uốn lượn cho cảm nhận vẻ đẹp của Hồ Tây, từ bờ phía Đông có chùa Trấn Quốc cổ kính, đường Thanh Niên thơ mộng; đến phía Tây là dải đường ven hồ ngắm sóng nước mênh mang.
Nhân viên bán vé ở điểm chùa Trấn Quốc cho biết, ngày thường Công ty TLC thường bố trí hai xe đưa đón khách thăm quan, nhưng vào thứ bảy, chủ nhật thường là ba xe, vì cuối tuần. Từ khi tuyến xe điện vãn cảnh quanh Hồ Tây ra đời, hầu hết NCT sinh sống quanh hồ đã đi tham quan. Có người đi nhiều lần, có khi 5-7 người thuê một chuyến xe điện đi lễ và vãn cảnh (20 điểm văn hóa lịch sử) quanh hồ. Trên hành trình quanh hồ, TLC cho du khách được lựa chọn một điểm tham quan để dừng khoảng 15 phút; miễn phí cho trẻ em dưới ba tuổi; đón khách tại một số điểm dừng đỗ…
(Nguồn: Báo Người Cao Tuổi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét