Phong tục tập quán: Lễ tết
Một năm, người Việt có Tết Nguyên Ðán (đúng mồng một tháng giêng âm lịch) là ngày tết lớn nhất, ngoài ra còn có rất nhiều lễ, tết đặc trưng khác.
Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán (Tết Cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên đán Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông và quan niệm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở Việt Nam... Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri âm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhớ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng...
Giao thừa
Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa.
Giao thừa là gì? Theo từ điển Hán Việt của Ðào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ, mới này, có lễ trừ tịch
* Lễ trừ tịch
Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt đầu qua năm mới. Vào lúc này, dân chúng Việt Nam theo cổ lệ có làm lễ Trừ tịch. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để "khu trừ ma quỷ", do đó có từ "trừ tịch". Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là lễ giao thừa.
* Sửa lễ giao thừa
Người ta cúng giao thừa tại các đình, miếu, các văn chỉ trong xóm cũng như tại các tư gia. Bàn thờ giao thừa được thiết lập ở giữa trời. Một chiếc hương án được kê ra, trên có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm chiếc mũ của Ðại Vương hành khiển.
Ðến giờ phút trừ tịch, chuông trống vang lên, người chủ ra khấu lễ, rồi mọi người kế đó lễ theo, thành tâm cầu xin vị tân vương hành khiển phù hộ độ trì cho một năm nhiều may mắn. Các chùa chiền cũng cúng giao thừa nhưng lễ vật là đồ chay. Ngày nay, ở các tư gia người ta vẫn cúng giao thừa với sự thành kính như xưa nhưng bàn thờ thì giản tiện hơn, thường đặt ở ngoài sân hay trước cửa nhà.
* Cúng ai trong lễ giao thừa và tại sao cúng giao thừa ngoài trời
Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới. Các cụ quan niệm: Mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có trí như quan toàn quyền. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật... Trái lại, gặp phải ông lười biếng, kém cỏi, tham lam thì hạ giới chịu mọi thứ khổ.
Lễ giao thừa được cúng ở ngoài trời là bởi vì các cụ xưa hình dung trong phút cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì. Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
* Lễ cúng Thổ Công
Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ cũng khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà. Lễ vật cũng tương tự như lễ cúng giao thừa.
Một số tục lệ trong đêm giao thừa
Sau khi làm lễ giao thừa, các cụ ta có những tục lệ riêng mà cho đến nay, từ thôn quê đến thành thị, vẫn còn nhiều người tôn trọng thực hiện.
+ Lễ chùa, đình, đền: lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình và nhân dịp này người ta thường xin quẻ thẻ đầu năm.
+ Kén hướng xuất hành: khi đi lễ, người ta kén giờ và hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp may mắn quanh năm.
+ Hái lộc: đi lễ đình, chùa, miếu, điện xong người ta có tục hái trước cửa đình, cửa đền một cành cây gọi là cành lộc mang về ngụ ý là "lấy lộc" của Trời đất Thần, Phật ban cho. Cành lộc này được mang về cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô.
+ Hương lộc: có nhiều người thay vì hái cành lộc lại xin lộc tại các đình, đền, chùa, miếu bằng cách đốt một nắm hương, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về cắm vào bình hương bàn thờ nhà mình.Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt được lấy từ nơi thờ tự về tức là xin Phật, Thánh phù hộ cho được phát đạt quanh năm.
+ Xông nhà: thường người ta kén một người "dễ vía" trong gia đình ra đi từ trước giờ trừ tịch, rồi sau lễ trừ tịch thì xin hương lộc hoặc hái cành lộc ở đình chùa mang về. Lúc trở về đã sang năm mới và ngưòi này sẽ tự "xông nhà" cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình. Nếu không có người nhà dễ vía người ta phải nhờ người khác tốt vía để sớm ngày mồng một đến xông nhà trước khi có khách tới chúc tết, để người này đem lại sự may mắn dễ dãi.
Một số lễ đầu xuân
* Lễ Ðộng thổ
Lễ Ðộng thổ bắt đầu ở Trung Quốc sau truyền sang Việt Nam. Ðộng thổ nghĩa là động đất, và trong khi động đất phải có lễ cúng Thổ Thần để trình xin bắt đầu động đến đất cho một năm mới.
Hàng năm, sau ngày mồng ba tết, các làng thường làm lễ Ðộng thổ để cho dân làng có thể đào cuốc xới được. Các bậc kỳ lão và quan viên được cử làm chủ tế và bồi tế. Lễ vật gồm hương đăng, trầu rượu, y phục và kim ngân đồ mã. Trong buổi lễ, ông chủ tế cuốc mấy nhát xuống đất để lấy một cục đất đặt lên bàn thờ, "tường trình" với Thổ Thần xin cho dân được động thổ. Sau lễ động thổ dân làng mới được động tới đất. Ai cuốc xới trước lễ động thổ bị dân làng bắt vạ.
* Lễ Khai hạ
Theo tục lệ Việt Nam, ngày mồng bảy tháng giêng là ngày hạ cây nêu. Cây nêu trồng trong năm, khi sửa soạn đón tết cùng với cung tên bằng vôi trắng vẽ trước cửa nhà để "trừ ma quỷ", nay được hạ xuống.
Lễ hạ nêu còn được gọi là lễ Khai hạ. Nhân dịp này, ngoài lễ giữa trời cúng trời đất, người ta còn sửa lễ cúng Gia tiên, cúng Thổ côngvà thần tài. Thường sau ngày lễ này, mọi công việc thường xuyên mới được bắt đầu trở lại.
* Lễ Thần Nông
Thần Nông tức là vị hoàng đế Trung Hoa đầu tiên đã dạy dân nghề làm ruộng. Lễ Thần Nông tức là lễ tế vua Thần Nông để cầu mong sự được mùa và nghề nông phát đạt.
Trên các quyển lịch hàng năm của người Trung Hoa thường có vẽ một mục đồng dắt một con trâu. Mục đồng tức là vua Thần Nông, còn con trâu tượng trưng cho nghề nông. Hình mục đồng cũng như con trâu thay đổi hàng năm tuỳ theo sự ước đoán của cơ sở dự báo khí tượng về mùa màng năm đó tốt hay xấu. Năm nào được mùa, Thần Nông giầy dép chỉnh tề, còn năm nào đói kém, Thần Nông có vẻ như vội vàng hấp tấp nên chỉ đi giày có một chân. Con trâu đổi màu tuỳ theo hành của mỗi năm, vàng, đen, trắng, xanh, đỏ đúng với Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ. Hàng năm, vào ngày Lập xuân tại triều đình xưa cũng như tại các tỉnh có tục tế và rước Thần Nông. Người ta nặn trâu và tượng Thần Nông có dáng vẻ và màu sắc đúng với sự ước lượng về mùa màng năm đó. Sau đó lập đài để rước trâu và tượng Thần Nông tới làm lễ tế. Sau mỗi cuộc tế, trâu và tượng Thần Nông được khiêng cất vào kho hoặc đem chôn.
* Lễ Tịch điền
Lễ Tịch điền còn gọi là lễ Hạ điền do chính vua Thần Nông đặt ra. Cũng như các nghi lễ khác, lễ Tịch điền của người Tàu đã du nhập sang ta. Hàng năm vào đầu xuân, nhà vua lại tự thân cày mấy luống đất để làm gương cho dân chúng và cử hành lễ Tịch điền. Tiếp sau vua, các hoàng thân, các quan văn võ, các chức sắc, bộ lão sở tại cũng ra cày. Tại các tỉnh, các xã cũng có lễ Tịch điền... Ở tỉnh, quan tỉnh bắt đầu lễ Tịch điền bằng việc cày và ở xã là vị chức sắc cao nhất trong xã. Tùy từng triều đại việc cử hành lễ Tịch điền có lúc long trọng, lúc đơn giản và ở mỗi địa phương cũng có những tục lệ riêng.
* Lễ Khai ấn
Các ấn được lau chùi trong năm, ngoài xuân bộ lễ theo tục cũ cũng được chọn ngày lành, giờ tốt để làm lễ khai ấn nghĩa là dùng ấn đóng lên một công văn, chỉ dụ.
Thường văn bản đầu tiên được đóng ấn là bản văn tốt lành. Tục khai ấn này, Tại các tỉnh, các phủ, huyện, châu, xã xưa kia mỗi viên chức có ấn đều được chọn ngày khai ấn và sửa lễ cúng vị thần giữ về ấn tín trong dịp lễ khai ấn.
Tết Thượng nguyên
(Tết Nguyên tiêu)
Tết Thượng nguyên vào ngày rằm tháng giêng - ngày trăng tròn đầu tiên của năm. Tết này phần lớn tổ chức tại chùa chiền, vì rằm tháng giêng còn là ngày vía của Phật tổ. Ta có câu: "Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng". Tục ta tin rằng ngày rằm tháng giêng, đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của các tín đồ phật giáo. Trong dịp này chùa nào cũng đông người tới lễ bái. Sau khi đi chùa mọi người về nhà họp mặt cúng gia tiên và ăn cỗ.
Tết Thanh minh
Thanh minh
Là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và đã được người phương Ðông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết thanh minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân Phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang tiết thanh minh (thường bắt đầu trong tháng ba hoặc muộn lắm là đầu tháng tư âm lịch tùy từng năm).
Lễ thanh minh
Nhân ngày thanh minh, cũng như nhiều dân tộc Á Đông khác. Dân ta có tục đi viếng mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ.
Lễ tảo mộ: Tảo mộ chính là sửa sang ngôi mộ cho được sạch sẽ. Nhân ngày lễ thanh minh người ta mang theo cuốc xẻng để đắp lại nấm mồ cho to, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trèo lên mộ có thể phạm tới hài cốt của người thân đã khuất. Sau đó cắm mấy nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa dâng cho vong hồn người quá vãng. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người có lòng nhân đức không khỏi mủi lòng thường cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này. Tại các nơi tha ma mộ địa còn có lập một cái am để thờ chung những mồ mả vô chủ gọi là Am chúng sinh và mỗi cửa am có một bà đồng sớm tối đèn hương thờ phụng. Trong ngày tảo mộ, bãi tha ma vốn vắng lặng bỗng trở nên đông đúc. Mọi người đi tảo mộ đều ăn vận rất chỉnh tề, lo khấn vái nơi phần mộ. Cả trẻ em cũng có thể theo cha mẹ đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là bố mẹ muốn tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và xum họp với đại gia đình. Thường người ta đi tảo mộ từ sáng sớm cho đến gần trưa.
Tục lệ tảo mộ: Thường người ta đi tảo mộ vào tiết thanh minh trời quang mây tĩnh, và sau đó kính mời hương hồn tổ tiên về hưởng cỗ con cháu cúng trong dịp này. Nhưng cũng có nhiều nơi người ta tảo mộ vào dịp trước và sau ngày tết. Nhiều làng ở vào vùng đất thấp, tới vụ nước, ruộng nương và cả bãi tha ma đều ngập nước, thì người ta đi tảo mộ vào đầu tháng chín, sau khi nước đã rút. Dù đi tảo mộ vào ngày nào thì việc thăm nom mồ mả tổ tiên cũng là việc hay. Nghĩ đến gia tiên tức là nghĩ đến gốc, tưởng đến nguồn.
Cúng lễ trong ngày tết thanh minh: Tết thanh minh cũng là dịp để con cháu sửa lễ cúng gia tiên sau khi viếng mộ về. Cũng có nhà sửa lễ mang ra mộ cúng, nhưng đó chỉ là cúng riêng một ngôi mộ. Còn sau đó người ta vẫn cúng ở bàn thờ tổ tiên và khấn tất cả gia tiên nội ngoại về phối hưởng. Người ta thường cúng mặn trong ngày thanh minh, nghĩa là có làm cỗ, hoặc không làm cỗ thì cũng có đĩa xôi, con gà cùng với hương hoa, trà rượu, vàng mã. Và đồng thời với việc cúng tổ tiên cũng có cúng Thổ Công như trong mọi dịp.
Tết Hàn thực
Theo phong tục cổ truyền, ngày mồng 3 tháng 3 tức tết Hàn thực, ta làm bánh chay. Tết này có xuất xứ từ bên Trung Quốc, làm giỗ ông Giới Tử Thôi (một hiền sĩ thời Xuân Thu có công phò Tần Văn Công), bị chết cháy ở núi Ðiền Sơn. Cũng như ngày mùng năm tháng năm tết Ðoan Dương cũng xuất xứ bên Trung Quốc là giỗ ông Khuất Nguyên (đời Xuân Thu, thờ vua Sở Hoài Vương) gieo mình chết trôi ở sông Mịch La. Ðành rằng dân ta theo tục đó nhưng khi cúng chỉ cúng gia tiên nhà mình.
Tết Ðoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ còn gọi là tết Ðoan Dương còn nhiều tục truyền đến nay. Sáng sớm cho trẻ ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Người lớn thì giết sâu bọ bằng uống rượu hoặc ăn rượu nếp.
Tết Trung nguyên
(Rằm tháng bảy)
Rằm tháng bảy theo tín ngưỡng là ngày xá tội vong nhân, nghĩa là bao nhiêu tội nhân ở dưới âm phủ ngày hôm đó đều được tha tội. Bởi vậy trên dương thế mọi gia đình đều làm cỗ bàn, đốt vàng mã cúng gia tiên và đồng thời cúng những linh hồn bơ vơ không được ai chăm sóc. Người ta cũng thả chim lên trời, thả cá xuống sông, để làm điều phúc đức.
Tết Trung thu
(Rằm tháng Tám)
Trung thu là giữa mùa thu, tết Trung Thu như tên gọi đến với chúng ta vào đúng giữa mùa thu tức là vào rằm tháng tám âm lịch. Tết Trung Thu là tết của trẻ em.
Tết Hạ nguyên
(Tết cơm mới)
Tết Hạ nguyên vào rằm hay mồng một tháng mười. Ở nông thôn, tết này được tổ chức rất lớn vì đây là dịp nấu cơm gạo mới của vụ vừa xong - trước là để cúng tổ tiên, sau để thưởng công cầy cấy.
Tết Trùng thập
Tết của các thầy thuốc. Theo sách Dước lễ thì ngày mười tháng mười (âm lịch), cây thuốc mới tụ được khí âm dương, mới kết được sắc tứ thời (Xuân-Hạ-Thu-Ðông) trở nên tốt nhất. Ở nông thôn Việt Nam, đến ngày đó người ta thường làm bánh dày, nấu chè kho để cúng gia tiên rồi đem biếu những người thân thuộc (chứ không mấy quan tâm đến cây thuốc, thầy thuốc).
Tết Táo quân
Tết Táo quân vào ngày 23 tháng chạp - người ta coi đây là ngày "vua bếp" lên chầu trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua.
Bởi thế nên, trong ngày này, mọi gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa "ông Táo". Cứ phiên chợ 23 tháng chạp, mỗi gia đình thường mua 2 mũ ông Táo, 1 mũ bà Táo bằng giấy và 3 con cá chép làm "ngựa" (chuyện cá chép hoá rồng) đế Táo quân lên chầu trời. Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông...
Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết.
=======================
Khách sạn : Avi Airport Hotel
Khách sạn giá re gần Sân bay Nội Bài
Điện thoại : (84 4) 388 66 998
Số Fax: (84 4) 388 66 986
Thư điện tử : hotelavi@gmail.com
Web: www.aviairporthotel.com
Địa chỉ : B22 Chợ Phú Cường, Sân Bay Nội Bài, Hanoi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét